Tìm kiếm sản phẩm
     
Quick Comment
hoang nam :
Đình Phong Phú : Dạ cho em hỏi bên mình còn XPS-10 không ạ
Tạ Phan Thùy Anh : Cho em xin hỏi là PSR-E273 còn không ạ
Nhạc Cụ Tiến Mạnh : Gửi bạn Trần Kim Thúy Vy
Dạ mình đặt ở đâu vậy ạ, và đã nhận được hàng chưa ạ?
Trần Kim Thúy Vy : Hôm qua 23/4 mình có đặt mẫu ukulele KA TE, cho mình hồi lại nha shop Mình cảm ơn ạ
Nhạc Cụ Tiến Mạnh : Gửi bạn Phạm Thế Long
chào anh, bên em có sẵn hàng ở tất cả các chi nhánh ạ. Anh nhắn tin zalo hoặc liên hệ vào số 0979 499 501 để được tư vấn cụ thể hơn ạ 
Thân!
Họ & Tên :
Email :
Nội dung : Mã xác nhận:
 
Quảng cáo
Opera 12/26/2012 12:54:29 PM Opera tiếng Latin là số nhiều của từ opus (tác phẩm). Opera là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Trong opera có sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc; sự tham gia của các ca sĩ độc tấu, hợp xướng, dàn nhạc ... Opera (phần 1)

A/ Khái quát về Opera:

 Opera tiếng Latin là số nhiều của từ opus (tác phẩm). Opera là một loại hình nghệ thuật tổng hợp. Trong opera có sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc; sự tham gia của các ca sĩ độc tấu, hợp xướng, dàn nhạc cùng với những loại hình nghệ thuật vô cùng đa dạng khác như ballet, mĩ thuật, diễn xuất của những diễn viên…

Tchaikovsky đã từng nhận xét: “opera có sức hấp dẫn mãnh liệt là bởi vì chỉ có opera mới cho ta có cơ hội được tiếp xúc với đông đảo khán, thính giả”.

 Opera mang dấu ấn của thời đại, opera phơi bày hiện thực xã hội, là tiếng thét của nhân dân lao động, là sự vùng lên của những số phận bị đè nén, là niềm khát khao tự do cháy bỏng. Bên cạnh đó opera còn thể hiện được những gì chân thành nhất, sâu thẳm nhất của tình yêu lứa đôi, tình bạn bè thắm thiết, tình mẫu tử bao la và tình yêu quê hương, đất nước.

 Opera ra đời tại Florence, Ý vào cuối thế kỉ 16, thời buổi giao thời giữa thời kì Phục hưng và thời kì Baroque. Sự ra đời của opera không chỉ có ý nghĩa tăng thêm một thể loại mới cho nghệ thuật âm nhạc, quan trọng hơn opera đã trở thành nhân tố thôi thúc, phát triển và hoàn thiện hệ thống mới và các thể loại mới trong thời kì Baroque. Thể loại giao hưởng bắt nguồn từ những đoạn dạo đầu trong các vở opera (tiếng Ý là sinfonia) hay những đoạn cadenza cho những nghệ sĩ piano hay violin thể hiện kĩ thuật thì xuất phát từ những đoạn hát khoe kĩ xảo của những ca sĩ opera.

 Opera là một thể loại kịch trong đó tất cả hoặc hầu hết các nhân vật đều hát và cùng với dàn nhạc tạo nên một thể thống nhất. Một trong những định nghĩa về opera là dramma per musica (kịch thông qua âm nhạc). Có một vài từ gần đồng nghĩa với opera như music - drama hay music - theatre.

 Opera là một tác phẩm có cốt truyện có thể gồm 1 hoặc nhiều màn, trong 1 màn có thể có 1 hoặc nhiều cảnh.

 Operetta là một biến thể của opera với qui mô nhỏ hơn và nội dung có tính chất nhẹ nhàng, vui vẻ.

 Opera gồm có 2 phần chính: phần nhạc (music) và phần lời (libretto). Thường khi các nhạc sỹ sáng tác opera, họ thường nhờ các nhà văn, nhà viết kịch sáng tác phần lời trước rồi sau đó mới dựa vào đó để viết nhạc. Chỉ có rất ít các nhạc sỹ tự viết lời cho opera của mình như Wagner, Mussorgsky, Leoncavallo…

 Opera là một thể loại mới mang tính sáng tạo thực sự. Cho dù có tính kế thừa, song opera đã chứa trong mình linh hồn tư tưởng nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn thẩm thấu trong đề tài, chủ đề, nhân vật, ca từ và âm nhạc của opera. Mặt khác opera chú trọng sự biểu hiện, truyền đạt chân thật những tình cảm, tư tưởng con người, khắc họa hình tượng âm nhạc có cá tính, tình tiết xung đột mang tính kịch mạnh mẽ. Một loại hình nghệ thuật như vậy rõ ràng là một sự kiện sáng tạo mang tính khởi xướng trong lịch sử âm nhạc thế giới.

B/ Sự ra đời, hình thành và phát triển của opera qua các thời kỳ:

  I/ Thời kỳ Phục hưng và Baroque:

 1/ Opera ra đời và phát triển ở Ý:

 Opera ra đời là do nhu cầu giải trí của giới quý tộc Ý thời kỳ cuối thế kỷ 16. Tại thành phố Florence, những nhà quí tộc như bá tước Giovanni de Bardi hay Jacopo Corci đứng ra thành lập các “nhóm hàn lâm” (Academia) vì sùng bái triết gia Hi Lạp cổ Platon với mục đích phục hồi âm nhạc Hi Lạp cổ. Những nhóm này được người dân Ý gọi là Camerata (hiệp hội) cho rằng âm nhạc Hi Lạp cổ có sức truyền cảm vì đó là âm nhạc đơn điệu (monody), phổ nhạc trên cơ sở thanh điệu, tiết tấu của thi ca. Do đó âm nhạc truyền đạt được nội dung tư tưởng của ca từ, khiến ca từ thêm sinh động, truyền cảm và có sức hấp dẫn. Và từ lối tư duy đó, một người trong số họ, ca sĩ – nhạc sĩ Jacopo Peri (1561 - 1633) đã sáng ra vở opera “Dafne” vào năm 1597 với phần lời của nhà thơ Ottavio Rinuccini - được coi là vở opera đầu tiên trong lịch sử âm nhạc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại phần ca từ của vở opera này. Vào năm 1600, Peri và Rinuccini lại cùng nhau sáng tác “Euridice”, vở opera này còn được lưu giữ đến ngày này. Từ đó Florence trở thành nơi tập trung của những nhà soạn nhạc opera, ngoài Peri, ta còn có thể kể đến một số nhạc sĩ khác như Giulio Caccini, Pietro Strozzi, Marco da Gagliano hay Vincenzo Galilei (cha của Galileo Galilei). Những vở opera trong thời kì sơ khai này chú trọng ca từ và coi phần nhạc chỉ là vai phụ cho ca từ. Họ chú trọng đến âm nhạc đơn điệu (monody) và lên án âm nhạc phức điệu (polyphony) làm méo mó ca từ. Chính họ cũng là người đã sáng tạo ra phong cách recitativo (hát nói) rất phổ biến sau này.

 Opera đã tỏ ra rất phù hợp giới quí tộc Ý. Và không chỉ ở Florence, nghệ thuật opera đã bắt đầu lan tỏa ra những thành phố khác. Đầu tiên là tại Rome, một số thành viên trong nhóm Camarata đã chuyển đến Rome sinh sống và sáng tác. Nổi tiếng nhất trong số này là nhạc sĩ Stefano Landi (1587 - 1639) với vở opera “Sant'Alessio” (1632) Đặc điểm của opera Rome là chủ yếu mang đề tài tôn giáo, thần thoại và tính chất âm nhạc giữa aria và recitativo khác nhau khá rõ ràng.

 Sau Rome là Venice, tại đây lần đầu tiên opera được công diễn bán vé để mọi tầng lớp có thể vào xem. Venice cũng là nơi đầu tiên trên thế giới xuất hiện nhà hát công cộng - nhà hát Teatro San Cassiano (1637). Và như vậy, opera không còn là trò giải trí của riêng giới quí tộc nữa. Chính điều này đã khiến opera trở nên phổ cập và giúp cho số lượng các vở opera được sáng tác tăng vọt. Tại đây đã xuất hiện một trong những nhà cải cách opera vĩ đại trong lịch sử. Claudio Monteverdi(1567 - 1643) là cây cầu nối giữa thời kỳ Phục hưng và Baroque. Chịu ảnh hưởng từ Peri và cũng là một đại diện của giới nghệ thuật Florence như Peri, nhưng không như Peri là một ca sĩ – nhạc sĩ, Monteverdi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Năm 1607 ông sáng tác vở opera “Orfeo”, cũng lấy cảm hứng từ câu truyện Orpheus và Euridice trong thần thoại Hi Lạp. So với “Euridice” của Peri, thì vở opera của Monterverdi có những thay đổi mang tính lịch sử. Thay vì sử dụng những cây đàn lute, Monterverdi đã mạnh dạn sử dụng đàn dây, harpsichord, organ, trumpet, recorder và một vài nhạc cụ khác nữa. Biên chế dàn nhạc được mở rộng khiến cho âm nhạc của vở opera trở nên giàu màu sắc và có tính tương phản rõ nét. Monterverdi cũng mở đầu opera bằng một đoạn nhạc ngắn, tiền thân của overture sau này. Ông cũng tạo cho những nhân vật sự khác biệt bằng những nét nhạc đặc thù. Recitativo trong vở opera này không chỉ đơn thuần là truyền tải nội dung ca từ mà còn phải thể hiện ý nghĩa của ca từ, khắc họa diễn biến nội tâm sâu sắc của nhân vật. Cho đến tận ngày nay, nhiều vở opera của Monterverdi như “Il ritorno d'Ulisse in patria” (1641) hay “L'incoronazione di Poppea” (1642) vẫn còn được trình diễn. Monterverdi được coi là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất đối với những thế hệ đi sau. Những nhạc sĩ khác thuộc trường phái này là Pietro Francesco Cavalli (1602 - 1676) và Antonio Cesti (1623 - 1669).

 Đến cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18, trung tâm opera của nước Ý chuyển từ Venice sang Naples. Đặc điểm nổi bật nhất của những vở Neapolitan opera này là sự hài hước nhẹ nhàng (mở đầu cho những vở opera buffa (opera hài hước) sau này). Nhạc sĩ nổi tiếng nhất thời kì này là Alessandro Scarlatti(1660 - 1725). Đóng góp đáng kể nhất của Scarlatti là phát triển da capo aria (hình thức aria ba đoạn ABA’ trong đó phần A được nối tiếp bằng phần B mang tính tương phản và chủ yếu viết ở giọng thứ rồi được quay trở lại phần đầu) để thể hiện diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật và là kiểu mẫu để những nhạc sĩ sau này noi theo. Scarlatti cũng là người đầu tiên định hình Overture kiểu Ý theo hình thức nhanh – chậm – nhanh là tiền đề cho sự ra đời của giao hưởng sau này. Scarlatti viết tất cả 88 vở opera (tùy theo tài liệu con số này có thể lên đến hơn 100) nhưng hầu hết đều bị thất lạc. Có một số vở opera của Scarlatti lấy đề tài thần thoại hoặc anh hùng ca là tiền đề cho những vở opera seria (opera nghiêm túc) sau này. Neapolitan opera có một vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển opera và ảnh hưởng tới toàn bộ nền âm nhạc châu Âu thế kỉ 18.

 2/ Sự phát triển opera tại các nước Pháp, Đức và Anh:

 Pháp: Năm 1647, lần đầu tiên người dân Pháp tiếp cận thể loại opera khi vở “Orfeo” của Luigi Rossi được công diễn tại Paris, tiếp theo đó là những vở opera của Pietro Francesco Cavalli. Trước thời điểm này thì ở Pháp loại hình sân khấu chiếm vị trí chủ đạo là ballet. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của Jean-Baptiste Lully (1632 - 1687) thì mới có sự ra đời của nền opera Pháp. Lully sinh ra tại Florence và đến năm 1661, ông mới nhập quốc tịch Pháp. Là một người rất tài năng, ban đầu Lully được đích thân Louis XIV mời làm vũ công ballet và sau đó là nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho các vở ballet và biên đạo múa. Ông tập trung vào nghiên cứu và sáng tác opera từ năm 1672. Lully gọi những vở opera của mình là tragédies lyriques (bi kịch trữ tình). Những đặc điểm chính trong các vở opera của Lully: sử dụng rất nhiều những vũ điệu, đưa ballet trở thành một nhân tố tích cực trong opera; sáng tạo ra Overture theo kiểu Pháp gồm 2 phần chậm – nhanh và đặc biệt trong opera của Lully sử dụng rất nhiều và hiệu quả hợp xướng - điều trước đây hầu như chưa thấy xuất hiện trong opera Ý. Những vở opera đáng chú ý của Lully “Alceste” (1674), “Atys” (1676) và “Armide et Rénaud” (1686).

 Tiếp nối Lully, Jean Philippe Rameau (1683 - 1764) cũng là một tác giả rất quan trọng. Những nhạc sĩ sau này như Berlioz, Debussy đều đánh giá rất cao Rameau. Cũng là một nhà phê bình âm nhạc hết sức xuất sắc, Rameau đã xây dựng được một tư duy hòa thanh mới vì vậy phần khí nhạc trong opera của ông vô cùng hiệu quả và độc đáo. Ông đã rất thành công trong việc đưa phức điệu vào trong những vở opera của mình. Những vở opera của Lully và Rameau còn được gọi là opera – ballet.

 Đức: Người sáng tác ra vở opera đầu tiên của nước Đức – “Dafne” (1627) là nhạc sỹ Heinrich Schütz (1582 - 1672). Âm nhạc của vở opera này nói riêng và toàn bộ tác phẩm của Schütz nói chung chịu ảnh hưởng từ 2 nhạc sỹ người Ý: Giovanni Gabrieli (thầy dạy của ông ở Venice từ năm 1609 đến 1613) và Monteverdi. Nhiều nhà hát opera được xây dựng tại Munich, Dresden và đặc biệt là Hamburg. Tại Hamburg, sau khi Schütz qua đời nổi lên nhạc sĩ Reinhard Keiser (1674 - 1739). Chính Handel và Mozart sau này cũng thừa nhận trong sáng tác opera, họ chịu khá nhiều ảnh hưởng từ Keiser. Nhạc sĩ Handel trẻ tuổi cũng sáng tác một số vở opera trong thời gian ông sống tại đây nhưng không mấy thành công. Georg Philipp Telemann (1681 - 1767) là người cùng thời với Johann Sebastian Bach và là bạn thân của Handel. Ông đã sáng tác khoảng 40 vở opera và được người đương thời đánh giá thậm chí còn cao hơn Bach và Handel. Sau khi Telemann qua đời, nền opera Đức lại bị nước Ý thao túng.

 Anh: Nước Anh luôn háo hức đón chào và tiếp nhận nghệ thuật nước ngoài. Trước khi xuất hiện opera, ở nước Anh vào cuối thế kỉ 16 thịnh hành kịch mặt nạ (masque), chỉ đến khi một người xuất hiện thì nền opera Anh mới thực bắt đầu. Người đó chính là Henry Purcell (1659 - 1695). Ông chính là người đã khai sinh ra nền opera Anh với vở “Dido and Aeneas” (1689). Nhà hát Opera đầu tiên ở London xuất hiện năm 1671 là để trình diễn các tác phẩm của Purcell. Purcell đã biết tiếp thu tinh hoa của 2 nền opera Ý và Pháp thời bấy giờ với overture theo kiểu Pháp nhưng recitativo và aria thì theo kiểu Ý. Purcell đã rất khéo léo trong việc lồng âm nhạc vào tiếng Anh để đem lại sự hài lòng cho khán, thính giả. Ngoài “Dido and Aeneas”, “Oedipus” cũng là một vở opera rất thành công. Ngày nay, những tác phẩm của Purcell vẫn được công diễn.

 Sau khi Purcell qua đời, bẵng đi một thời gian dài nền opera Anh không có những tác phẩm nào đáng kể. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của nhà soạn nhạc vĩ đại George Frideric Handel (1685 - 1759) thì nền opera Anh mới khôi phục được vị thế của mình. Nhạc sĩ người Đức Handel từng là nghệ sĩ violin tại nhà hát Hamburg dưới thời Keiser làm giám đốc và bắt đầu sáng tác opera. Từ năm 1706 đến năm 1710 ông sống tại một số thành phố của Ý như Rome, Florence và Naples. Chính tại Naples, ông đã chịu ảnh hưởng từ A. Scarlatti và Neapolitan Opera. Những vở opera được Handel sáng tác trong thời gian này như “Rodrigo” (1707) và “Agrippina” (1709) đã giành được tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý của nhà hát Opera London. Handel được mời sang London và ngay lập tức bằng vỏ opera mang phong cách Ý “Rinaldo” (1711), ông đã được nhà hát mời cộng tác lâu dài. Năm 1719, hoàng gia Anh cho xây dựng Nhạc viện Hoàng gia và Handel được đảm nhận trọng trách giám đốc nhạc viện và nhạc trưởng chính của nhà hát opera London. Trong thời gian này ông đã sáng tác những vở opera hay nhất của mình như “Giulio Cesare” (1724), “Tamerlano” (1724), “Rodelinda” (1725). Trong những năm 1730, do một bộ phận giới quý tộc ở Anh không hài lòng với nguồn gốc Đức của ông (dù Handel đã nhập quốc tịch Anh năm 1727) nên ông phải nhường lại quyền điều hành nhà hát cho Nicola Porpora – một nhạc sĩ người Ý. Những năm cuối đời, nhạc sĩ ít viết opera hơn mà tập trung chủ yếu vào oratorio cũng như các thể loại khác nhưng những vở opera được sáng tác trong thời gian này như “Orlando” (1733) “Alcina” (1735) hay “Serse” (1738) đều được đánh giá rất cao và được coi là đã vượt ra ngoài phạm vi ảnh hưởng của opera Ý. Các vở opera của Handel phần lớn đều được coi là opera seria.

II/ Thời kì Cổ điển:

 Trong thời kì này, opera chủ yếu phát triển tại Đức và Áo hay thậm chí là cả Pháp. Còn opera Ý đã bị mất vị thế bá chủ và rơi vào giai đoạn khủng hoảng dù rằng các vở opera bằng tiếng Ý vẫn được sáng tác đều đặn. Đây cũng là thời kì nền opera châu Âu chia làm 2 thể loại chính: opera seria và opera buffa.

 Opera seria phát triển từ Neapolitan opera với cốt truyện lấy từ đề tài lịch sử hoặc thần thoại với âm nhạc mang tính chất trang trọng và rất phổ biến trong thời kì Baroque. Tuy nhiên đến đầu thế kỉ 18, do kết cấu của opera seria trở nên quá nhàm chán, các aria và recitativo luân phiên nhau xuất hiện. Nhà thơ người Ý Metastasio trong thời gian này đã viết tới 30 kịch bản để các nhạc sĩ sáng tác opera. Điều này khiến opera seria đâm vào ngõ cụt, khán giả quay lưng lại. Hơn nữa sân khấu opera giờ đây chỉ là nơi để các ca sĩ castrato (ca sĩ bị hoạn) khoe giọng. Các castrato này thỏa sức hát những gì họ thích, không hề quan tâm đến nội dung các vở opera cũng như yêu cầu của nhạc sĩ. Chính vì vậy sân khấu opera châu Âu vào đầu thế kỉ 18 cần có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong bối cảnh đó opera buffa lên ngôi và trở thành phong cách opera chủ đạo của thời kì Cổ điển.

 1/ Sự lên ngôi của opera buffa và sự hình thành opera-comique và singspiel:

 Cũng khởi nguồn từ Neapolitan opera, opera buffa đã trở thành đối trọng của opera seria. Đặc điểm của opera buffa là phong cách dí dỏm, nhẹ nhàng lấy bối cảnh từ chính cuộc sống thường nhật của người dân, châm chọc những người thuộc tầng lớp trên nên dễ được quần chúng đón nhận. Về mặt âm nhạc, opera buffa sử dụng nhiều các duet (khác với opera seria hay dùng aria) và coi trọng giọng bass, điều gần như không xuất hiện trong opera seria. Opera buffa đã thật sự khẳng định được vị thế của mình vào đầu thế kỉ 19. Trước đây, opera buffa chỉ được biểu diễn với tư cách là 1 intermezzo (khoảng nghỉ) giữa hai màn của 1 vở opera seria. Nhạc sĩ tiêu biểu trong thời kì này là Giovanni Battista Pergolesi (1710 - 1736). Ông sáng tác cả opera seria và opera buffa trong đó vở opera buffa “La serva padrona” (1733) là vở opera buffa đầu tiên tách được mình ra khỏi 1 vở opera seria để công diễn 1 cách độc lập (ban đầu “La serva padrona” cũng chỉ được sáng tác như là 1 intermezzo của vở opera seria “Il prigioniero superbo”). Pergolesi được coi là nhạc sĩ lớn đầu tiên sáng tác opera buffa. Sau Pergolesi, còn nhiều nhạc sĩ sáng tác opera buffa nổi tiếng khác như Nicolò Piccinni (1728 - 1800), Giovanni Paisiello (1740 - 1816) hay Domenico Cimarosa (1749 - 1801).

 Song song với sự phát triển opera buffa tại Ý, tại Pháp và Đức opera cũng có những cải cách đáng kể theo hướng độc lập và có xu hướng ngày càng ít chịu ảnh hưởng từ opera Ý. Tạp Pháp, opera hài hước được gọi là opera-comique, thuật ngữ này lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 1716. Opera-comique đã tiếp thu và phát triển từ các vở opera buffa của Ý nhưng có thay đổi đáng kể nhất là không sử dụng recitativo và thay vào đó là hình thức đối thoại. Tại Paris cho xây dựng nhà hát Opéra-Comique để biểu diễn những vở opera này. Tác giả sáng tác opera-comique đáng chú ý trong thế kỉ 18 là nhạc sĩ người Bỉ sống tại Pháp từ năm 1767 André Modeste Grétry (1741 - 1813) với vở “Richard Coeur-de-lion” (1875). Grétry cũng được coi là người đầu tiên đặt nền móng cho opéra grade. Tuy nhiên sau cuộc cách mạng năm 1789, tính hài hước trong opera-comique ngày một ít đi, thậm chí bị triệt tiêu. Tại Đức, từ giữa thế kỉ thứ 18 hình thành thể loại singspiel (hát – diễn). So sánh với opera buffa hay opera-comique thì singspiel đối thoại nhiều hơn và mang nhiều âm hưởng của các bài hát Đức (lied) và ảnh hưởng từ hài kịch dân gian Đức. Johann Adam Hiller (1728 - 1804) được coi là người sáng lập ra singspiel. Những vở opera bằng tiếng Đức của Mozart,  Beethoven  hay Weber sau này đã đưa singspiel lên đỉnh cao.

 Những năm cuối của thế kỉ 18 được đánh dấu bằng cuộc cách mạng Tư sản Pháp 1789, điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới quan niệm sáng tác của giới văn học nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực âm nhạc. Các vở opera mang tính thời sự hơn, kêu gọi sự tự do, bình đẳng và đề cao tính anh hùng. Đã xuất hiện một dòng opera được sáng tác theo nội dung này và được gọi là rescue opera (opera giải cứu). Những vở opera tiêu biểu thuộc trào lưu này là “Médée” (1797) và “Les deux journées” (1800) của Luigi Cherubini (1760 - 1842) và “La vestale” (1807) của Gaspare Spontini (1774 - 1851).

2/ Christoph Willibald Gluck và sự cải cách vĩ đại:

 Nhạc sĩ người Đức Christoph Willibald Gluck (1714 - 1787) là một nhà cải cách opera vĩ đại. Thời gian đầu ông sống ở Milan và đã sáng tác khá nhiều vở opera tại đây. Những vở opera này đã đem lại danh tiếng cho ông và năm 1745, ông lên đường sang London và gặp gỡ Handel. Tuy nhiên, Handel tỏ ra không quan tâm đến opera của Gluck. Thất bại, Gluck buồn chán rời nước Anh đi nghiên cứu âm nhạc của hầu hết các nước châu Âu và rồi định cư tại Vienna từ năm 1750. Chính trong quãng thời gian này, Gluck đã tiếp thu tư tưởng của phong trào Khai sáng và từ đó ông nung nấu ý định cải cách opera vì Gluck nhận thấy rằng trong thời kì này, các vở opera đã trở nên rập khuôn và thiếu sâu sắc. Năm 1761, Gluck đã may mắn có dịp gặp gỡ và làm quen với nhà thơ Ranicro Calzabigi và 2 người bạn tâm đầu ý hợp này đã cùng nhau viết vở opera “Orfeo ed Euridice”. Năm 1762, vở opera được công diễn lần đầu tại Vienna. Đây đã trở thành cột mốc quan trọng đánh dấu một bước tiến mới trong việc cải cách opera. “Orfeo ed Euridice” có những điểm khác biệt cơ bản với những vở opera trước đó, “Orfeo ed Euridice” là một lời tuyên chiến quyết liệt với sự hào nhoáng bề ngoài và xu hướng mua vui của giới quý tộc. Gluck đã phát triển opera theo hướng biểu lộ nhiều cảm xúc trong ca từ và âm nhạc nhưng nghiêm cấm lối hát hoa mĩ, lợi dụng kĩ xảo của các ca sĩ thời kì đó. Ông bắt các ca sĩ phải hát đúng như yêu cầu trong tổng phổ. Quan niệm sáng tác của Gluck là hướng đến những gì chân thật nhất, tự nhiên nhất như chính những gì mà cuộc sống vốn có. Trong các tác phẩm của mình, Gluck chuyên tâm vào thế giới nội tâm của nhân vật và âm nhạc phụ thuộc vào tính kịch. Gluck cũng là người đầu tiên đưa một số giai điệu của opera vào trong phần overture, điều này giúp cho overture trở thành phần dự báo và giúp cho thính giả nắm được chủ đề cơ bản của vở opera. Gluck có ảnh hưởng rõ rệt với Mozart, Weber, Berlioz và Wagner sau này. Sau sự thành công của “Orfeo ed Euridice”, Gluck tiếp tục sáng tác nhiều vở opera khác như “Alceste” (1767) hay “Iphigénie en Aulide (1774)” nhưng bị những người theo phe bảo thủ phản ứng dữ dội khiến nhạc sĩ bị tổn thương và sau năm 1780, Gluck hoàn toàn không sáng tác opera nữa. Tuy nhiên tinh thần vĩ đại của Gluck được nhiều nhạc sĩ sau này tiếp thu và vai trò lịch sử của ông đã được chính thức thừa nhận.

 3/ Wolfgang Amadeus Mozart:

 Nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) là tác giả của hơn 20 vở opera trong đó có nhiều vở đã trở thành những kiệt tác. Với tư cách một nghệ sĩ piano thần đồng, thuở nhỏ Mozart đã đi biểu diễn tại rất nhiều nơi và tiếp thu được tinh hoa của nhiều loại hình âm nhạc như những bài hát Neapolitan, thủ pháp đối vị của Đức và các bản giao hưởng của Haydn. Chính điều này giúp cho trong các vở opera của Mozart có được sự cân bằng giữa các nghệ sĩ đơn ca và hợp xướng, giữa ca sĩ và dàn nhạc. Là người người đương thời và chịu ảnh hưởng từ quan điểm sáng tác của Gluck, tuy nhiên Mozart lại quan niệm: “lời thoại trong opera phải là cô gái biết nghe lời âm nhạc”. Âm nhạc của Mozart trong các tác phẩm nói chung và opera nói riêng trong sáng, tinh tế, thánh thiện và đẹp một cách diệu kì. Trong bộ 3 opera Mozart kết hợp với nhà chuyên viết lời cho các vở opera Lorenzo da Ponte là “Le nozze di Figaro” (1786), “Don Giovanni” (1787) và “Così fan tutte” (1790) thì ngoài “Così fan tutte” là viết theo đơn đặt hàng nên có chất lượng nghệ thuật không cao còn 2 tác phẩm kia đều là những tuyệt tác. Âm nhạc đầy chất thơ, kết hợp hài hòa giữa hát và hát nói. Đặc biệt là việc phát huy vai trò của duet, lấy duet làm trung tâm cho sự phát triển kịch tính của opera. Hơn nữa, trong các vở opera này, Mozart đã sử dụng rất thành thạo các hợp ca từ terzet đến septet, điều gần như không xuất hiện trong các vở opera trước đó của ông. Trong "Don Giovanni", lần đầu tiên kèn trombone có mặt trong biên chế dàn nhạc và âm nhạc của màn cuối được vang lên ngay trong phần overture, điều này cho thấy ảnh hưởng của Gluck đối với Mozart. Với “Die entführung aus dem Serail” (1782) và đặc biệt là “Die Zauberflöte” (1791) – vở opera cuối cùng của Mozart, singspiel đã đạt đến đỉnh cao chưa từng thấy. Trong “Die Zauberflöte”, sự trộn lẫn của triết học, tính ẩn dụ, chất lãng mạn, màu sắc huyền bí, hóm hỉnh khiến cho vở opera không chỉ đạt được thành công to lớn ngay sau khi mới ra đời mà còn trở thành một trong những tác phẩm được ưa thích nhất hiện nay. Chính những vở singspiel này đã mở ra con đường phát triển cho opera lãng mạn Đức sau này.

 4/ Ludwig van Beethoven và Fidelio:

“Fidelio”  (1814) là vở opera duy nhất của Ludwig van Beethoven (1770 - 1827) và cũng là tác phẩm khiến Beethoven bị tốn nhiều công sức nhất. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1804 (bản tiếng Ý) nhưng bản tiếng Đức như ngày nay chúng ta thưởng thức thì được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1814. “Fidelio” là vở opera có hình thức singspiel với nội dung thuộc trào lưu rescue opera. Tuy nhiên, ban đầu Beethoven không có ý định sáng tác opera mà  “Fidelio” ra đời là do bực mình về sự không chung thuỷ trong “Così fan tutte” và lòng nhiệt tình bắt nguồn từ cuộc Cách mạng Pháp 1789, chính vì vậy “Fidelio” còn được gọi là “Người con gái của Cách mạng Pháp 1789”. Các aria và recitativo có kĩ xảo khó nhưng điểm nổi bật nhất của vở opera là vai trò của dàn nhạc. Có thể nói, Beethoven là một trong những người tiên phong trong việc “giao hưởng hóa” opera, mà sau này Wagner là người ưu tú nhất. Âm nhạc của “Fidelio” gần với Gluck và Handel – người mà Beethoven rất kính trọng nhưng mang chất lãng mạn rất cao. Chính vì vậy, có thể coi “Fidelio” là viên gạch đầu tiên của opera Lãng mạn Đức thế kỉ 19.  

(phần tiếp theo)

 

                                       Opera (phần 2)
(phần đầu)


III/ Thời kì Lãng mạn:

 Thế kỷ 19,  thời kì Lãng mạn là thời kỳ mà chủ nghĩa dân tộc lên cao nhất. Tính dân tộc được bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Cùng với sự phát triển của văn học, hội hoạ, âm nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng có sự thay đổi rất rõ rệt. Thời kì này cũng chứng kiến sự hồi sinh ngoạn mục của opera Ý sau một thời gian dài khủng hoảng nhưng các nước khác như Đức, Pháp, Nga, Czech... cũng có được những vở opera đỉnh cao mang tính thời đại. Hơn nữa các qui tắc cũng dần dần bị phá bỏ tạo nên sự đa phong cách trong âm nhạc, qui mô và nội dung tác phẩm. Đề tài thần thoại và anh hùng ca phổ biến trong thời kì Baroque và Cổ điển dần dần được thay thế bởi các câu truyện đời thường và những sự kiện xã hội. Các nhạc sĩ đã trở thành những nhà soạn nhạc tự do, không phải lệ thuộc vào những nhà quí tộc nên họ hoàn toàn tự do trong công việc sáng tác của mình.

 1/ Opera Lãng mạn Ý:

a) Bel canto:

  Đầu thế kỷ 19, tại Ý sự xuất hiện của 3 nhạc sỹ: Rossini, Donizetti và Bellini với các vở opera mang đậm phong cách bel canto đã để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá các tuyệt tác.

 Bel canto (hát đẹp) là một nghệ thuật hát có tại nước Ý từ thế kỷ 17 nhưng được phát triển mạnh nhất trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ 19. Ba nhạc sỹ trên là những nhà soạn nhạc trung thành với trường phái này và cũng là những người đưa bel canto đến đỉnh cao nhất. Tên gọi của 3 nhạc sỹ cũng đồng nghĩa với bel canto, họ được coi là những người khổng lồ của bel canto.

 Đặc điểm chính của opera bel canto là sự chú trọng đến kỹ thuật và vẻ đẹp của giọng hát. Các vở opera sáng tác sao cho các ca sỹ có thể phô diễn được tối đa giọng hát của mình. Trong các vở opera thời kỳ này vai chính thường được dành cho các giọng nam cao và nữ cao (đặc biệt là giọng Soprano coloratura). Toàn bộ âm vực (chủ yếu ở âm vực cao) và kỹ thuật Staccato được khai thác triệt để.

 Thời kì này xuất hiện thêm một thuật ngữ: opera semiseria (opera nửa nghiêm). Opera semiseria gần giống với opera buffa, có nhiều yếu tố hài hước nhưng nội dung cảm động, có bối cảnh ở vùng đồng quê. Vở opera nổi tiếng nhất thuộc thể loại này là Linda di Chamounix của Donizetti. Ngoài ra, La sonnambula của Bellini cũng có thể liệt vào thể loại này.

 Các vở opera buffa của Gioacchino Rossini (1792 - 1868) là những mẫu mực cho thể loại này, đặc biệt là trong giai đoạn 1813 - 1817 với “L'Italiana in Algeri” (1813), “Il Turco in Italia” (1814), “Il Barbiere di Siviglia”(1816) và “La Cenerentola” (1817). Trong đó “Il Barbiere di Siviglia” đã trở thành một tuyệt tác, sự kết hợp hài hoà và vẻ đẹp tuyệt với của các aria, recitativo, dàn nhạc và hợp xướng là những gì mà ta có thể thấy được trong vở opera này. Bên cạnh đó Rossini cũng viết opera seria như các vở “Tancredi” (1813) và “Otello” (1816). Có một thời gian dài Rossini ở Paris và các vở opera cuối cùng của ông ra đời ở đây như “Le Comte Ory” (1828) và “Guillaume Tell” (1829) trong đó “Guillaume Tell” là tiền đề cho sự ra đời cho các vở opéra grande của Pháp sau này. Đóng góp cơ bản nhất của Rossini là loại bỏ revitativo secco (recitativo không nhạc đệm), tăng sức biểu cảm của dàn nhạc, đồng thời Rossini đã khai thác được tối đa ưu thế của từng giọng hát nhờ vào khả năng am tường kĩ thuật hát bel canto truyền thống. Sau một thời gian dài opera Ý chìm khuất sau opera của Gluck và Mozart, chính Rossini là khiến opera Ý trở lại với vị trí vốn có của nó.

 Phong cách sáng tác của Rossini là mạnh mẽ, sôi nổi và dân dã trong khi nhạc sỹ cùng thời với ông,Vincenzo Bellini (1801 - 1835) lại có cái gì đó rất quí phái và yếu đuối. Trong các vở opera của Bellini, các nhân vật luôn mang một chút gì hơi u sầu, phiền muộn. Bellini viết các vở opera của mình cho các ca sỹ hàng đầu thời bấy giờ, chính vì vậy độ khó của tác phẩm là rất lớn và đòi hỏi phải là những giọng hát xuất sắc nhất mới có thể trình diễn được. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Bellini đã để lại 11 vở opera trong đó tuyệt vời nhất là bộ 3 nổi tiếng: “La Sonnambula” (1831);  “Norma” (1831) và “I Puritani” (1835). Bellini qua đời ở độ tuổi 34, đúng lúc tài năng đang độ sung sức nhất.

 Trung dung giữa Rossini và Bellini đồng thời cũng có số lượng các vở nhiều nhất là Gaetano Donizetti (1797 - 1848). Donizetti sáng tác gần 70 vở opera. Không tạo được sự duyên dáng như Bellini, không có được sự sôi nổi như Rossini nhưng Donizetti là người tạo được sự cân bằng giữa chất trữ tình và sự kịch tính trong các vở opera của mình. Donizetti chính là người có ảnh hưởng lớn đến Verdi sau này. Tài năng của Donizetti được thừa nhận khá muộn, đến vở opera thứ 33 của mình “Anna Bolena” (1830) thì ông mới được biết đến và từ đó thì ông trở nên rất nổi tiếng. Donizetti sáng tác opera chủ yếu bằng tiếng Ý và đôi khi bằng tiếng Pháp. Vở opera tiếng Pháp nổi tiếng nhất của ông là “La fille du regiment” (1840). Tuy nhiên đỉnh cao nhất của Donizetti là các vở “L'elisir d'amore” (1832) và “Lucia di Lammermoor” (1835)

b) Giuseppe Verdi:

 Rossini, Donizetti và Bellini vẫn là những nhạc sỹ chịu ảnh hưởng của opera thế kỷ 18 và các tác phẩm của họ thể hiện chủ nghĩa lãng mạn qua ca từ nhiều hơn là âm nhạc. Chủ nghĩa dân tộc đã xuất hiện nhưng vẫn chưa được bộc lộ rõ rệt và chưa thể thoát khỏi cái bóng của nước Áo (khi đó đang xâm lược và chiếm đóng nước Ý). Chỉ đến khi một nhân vật vĩ đại xuất hiện thì  nước Ý mới có một biểu tượng thật sự để chống lại sự lấn át của người áo. Con người vĩ đại đã giương cao 2 lá cờ: chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa lãng mạn chính là Giuseppe Verdi.

 Giuseppe Verdi (1813 - 1901) là một nhạc sỹ thiên tài, người đã nói lên tiếng nói của nhân dân, người đã cùng với những người con yêu nước đã chiến đấu để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh với quân Áo vào năm 1848.

 Là người đã bị nhạc viện Milano từ chối nhận vào học năm 1832 nhưng chỉ 10 sau, với sự ra mắt vở opera “Nabucco” (1842) tại La Scala, Verdi đã trở thành biểu tượng không chỉ của thành phố Milano mà còn của cả nước Ý. Tiếp theo thành công của Nabucco là sự xuất hiện của các vở “I Lombardi” (1843), “Ernani” (1844), “Macbeth” (1847) và “Luisa Miller” (1849). Tuy nhiên tên tuổi của Verdi thực sự được lưu danh trong lịch sử opera khi có sự xuất hiện của 3 vở opera:  “Rigoletto” (1851), “La Traviata” (1853) và “Il Trovatore”(1853). Đây là những kiệt tác trong kho tàng opera của nhân loại và đến tận bây giờ các nhà phê bình vẫn chưa thể thống nhất được với nhau đâu là vở xuất sắc hơn. Vẻ đẹp trong giai điệu, sức mạnh của dàn hợp xướng và sự lộng lẫy của dàn nhạc đã tạo cho bộ 3 trên một sức hấp dẫn kỳ diệu.

 Trong các năm tiếp theo, Verdi hướng đến các vở opera có qui mô đồ sộ hơn như “Don Carlo” (1867) và đặc biệt là “Aida” (1871) - vở opera sáng tác theo đơn đặt hàng của hoàng gia Ai Cập nhân dịp khánh thành kênh đào Suez.

 Khi đã ở tuổi ngoài 70, Verdi sáng tác một trong những vở xuất sắc nhất của mình: “Otello” (1887) theo lời đề nghị của Arrigo Boito (1842 - 1918) - một người bạn, tác giả vở opera “Mefistofele”. Boito cũng chính là người khuyên Verdi sáng tác vở opera cuối cùng và cũng là vở opera hài mang phong cách opera buffa nổi tiếng duy nhất của ông: “Falstaff” (1893).

 Nhìn một cách tổng thể, âm nhạc của Verdi đã làm thay đổi opera Ý. Không bị quá câu nệ vào ca từ, các giai điệu vụn vặt và sự phô trương quá đáng của giọng hát, opera của Verdi đã dung hoà được giữa âm nhạc, lời hát và tính kịch tạo nên vẻ đẹp hài hoà nhưng vẫn làm nổi bật lên tính dân tộc và sự lãng mạn. Đặc biệt các trích đoạn hợp xướng trong opera của Verdi thực sự là những lời kêu gọi lòng yêu nước, là tiếng thét bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Ý, rất phù hợp với bối cảnh nước Ý thời bấy giờ.

 c) Verismo:

  Là một trường phái opera của Ý ra đời khi sự nghiệp của Verdi đã gần đi vào giai đoạn cuối. Verismo (chân thực) là trường phái bao trùm lên nước Ý vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với mục đích phơi bày hiện thực trần trụi của xã hội đương thời nhằm phản đối và đả kích những vở opera mang màu sắc thần thoại của Wagner. Có rất nhiều nhạc sỹ nổi tiếng thuộc trường phái Verismo như Pietro Mascagni (1863 - 1945) với “Cavalleria rusticana” (1890), Ruggero Leoncavallo (1858 - 1919) với “Pagliacci” (1892), Umberto Giordano (1867 - 1948) với “Andrea Chenier” (1896). Tuy nhiên nhạc sỹ nổi tiếng nhất phải kể đến Giacomo Puccini (1858 - 1924). Là tác giả của nhiều vở opera nổi tiếng như: “La Bohème” (1897); “Tosca” (1900); “Madama Butterfly” (1904) và “Turandot” (1824) (Puccini qua đời khi chưa viết xong 2 cảnh cuối và vở opera được Franco Alfano hoàn thành vào năm 1926) Puccini đã đóng góp vào kho tàng opera thế giới những vở opera tràn đầy những cảm xúc mạnh mẽ với giai điệu đẹp thể hiện mọi cung bậc của tâm hồn. Không có những hợp xướng hào hùng và hoành tráng như trong Verdi, cũng không có các overture tuyệt diệu và thủ pháp sử dụng dàn nhạc một cách tinh tế như trong nhạc kịch của Rossini, tâm điểm trong các opera của Puccini luôn là các aria hay duet đẹp một cách diệu kỳ. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng trong opera Ý, sau các tên tuổi Rossini và Verdi phải nói đến Puccini.

 2/ Opera Lãng mạn Đức:

 Sau sự tiên phong của Beethoven, opera Lãng mạn Đức được nối tiếp bằng Weber và đặc biệt là Wagner

 Carl Maria von Weber (1786 - 1826) chính là người đưa opera lãng mạn Đức lên đỉnh cao. Xuất phát điểm là một nghệ sỹ Piano tài năng và trong các chuyến lưu diễn vòng quanh châu Âu của mình, bị cuốn hút bởi các vở opera của Mozart và Rossini nên đã bắt tay vào sáng tác opera. Và thế là vào năm 1821 “Der Freischütz” - vở opera Lãng mạn thực sự đầu tiên của Đức ra đời. Thường xuyên sử dụng recitativo và có kết cấu theo kiểu cổ điển “Der Freischütz” đã trở thành đỉnh cao của Singspiel. Sau này Weber có sáng tác thêm nhiều vở opera khác như “Euryanthe” (1823) hay “Oberon” (1826) nhưng không một vở nào có thể vượt qua được “Der Freischütz”. Weber có ảnh hưởng rất to lớn đến Wagner sau này. Có người thậm chí còn nhận xét, nếu như không có Weber thì cũng chưa chắc đã có Wagner.

 Là một hiện tượng vô cùng đặc biệt trong nền âm nhạc cổ điển thế giới, sự xuất hiện của Richard Wagner (1813 - 1883) đã gây nên rất nhiều sự tranh cãi trong suốt thế kỷ 19 và kéo dài cho đến tận bây giờ và không biết bao giờ mới chấm dứt. Người gọi Wagner là thiên tài, kẻ lại dè bỉu gọi ông là thằng điên nhưng qua năm tháng thời gian các vở opera dần dần chiếm lĩnh các nhà hát nổi tiếng và có một điều không có gì phải bàn cãi là rất nhiều các nhạc sỹ sau này lại chịu ảnh hưởng từ ông. Ông chính là người đưa opera Đức lên đến đỉnh cao nhất và là bậc thầy trong việc "giao hưởng hóa opera". Luôn viết lời cho các opera của mình, quan điểm sáng tác vĩ đại nhất của ông là thay vì tất cả mọi thứ trong vở opera như kịch bản, lời thoại, các yếu tố sân khấu sinh ra chỉ để phục vụ âm nhạc thì riêng đối với Wagner lại ngược hẳn lại tất cả mọi thứ từ âm nhạc, lời ca chỉ để phục vụ cho một kịch bản có sẵn mà thôi. Hay nói một cách ngắn gọn, trong opera của Wagner âm nhạc phục vụ tính kịch thay vì tính kịch phục vụ âm nhạc như những gì mà opera vốn có kể từ thời Mozart hay thậm chí là trước cả Mozart cho đến nay. Thực ra âm nhạc phục vụ tính kịch vốn là quan điểm của Gluck và đã được Berlioz kế tục nhưng người đưa nó lên mức đỉnh cao và coi đó là chân lý thì chính là Wagner. Một trong những cải cách quan trọng mang tính thời đại của Wagner là sử dụng leitmotif (motif chủ đạo). Đây là một câu nhạc ngắn xuyên suốt vở opera chủ yếu nhằm đại diện cho tính cách, tâm tư tình cảm của nhân vật. Khi leitmotif xuất hiện thì đồng nghĩa với việc nhân vật đó sẽ xuất hiện trên sân khấu. Điều quan trọng là mỗi khi phát triển tình huống kịch, thể hiện sâu hơn về tư tưởng, tình cảm nhân vật, dự báo sự biến hóa hay ẩn dụ một sự kiện, liên hệ hay nói rõ mối quan hệ giữa các đối tượng, tăng cường sự phát triển hay phong phú thêm nội hàm của nhân vật, khi đó xuất hiện leitmotif. Wagner cũng là người xóa nhòa đi ranh giới giữa aria và recitativo. Bên cạnh đó, Wagner sử dụng khá nhiều hòa thanh nửa cung (cromatic), dự báo cho những cách tân âm nhạc trong thế kỉ 20.

 Vở opera thành công đầu tiên của Wagner là “Rienzi” (1842), tuy nhiên vở này vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ opéra grande của Pháp. Vở opera đầu tiên mà Wagner gây dựng được phong cách đặc trưng của mình là “Der fliegende Holländer” (1843). Tuy nhiên vở này vẫn còn hơi hướng của phong cách opera Ý qua cách sử dụng aria và chorus. Chỉ đến khi xuất hiện “Tannhäuser” (1845) và “Lohengrin” (1850) thì thực sự tên tuổi Wagner mới được cả châu Âu biết đến. Rất may mắn cho Wagner là ông được Franz Liszt - người sau này trở thành bố vợ ông ủng hộ và đích thân Liszt đã nhiều lần chỉ huy các vở opera của Wagner.

 Trong giai đoạn từ 1852 đến cuối đời là thời kỳ sáng tác đỉnh cao của Wagner. Lúc này thay vì dùng từ opera các vở nhạc kịch của Wagner được gọi là music - drama. Đã có một thời gian dài Wagner phải sống lưu vong tại Thụy Sỹ do hậu quả từ cuộc cách mạng năm 1848. Trong thời gian này Wagner đã nảy ra ý tưởng sáng tác “Der Ring des Nibelungen” mà sau này không chỉ trở thành công trình đồ sộ nhất của ông mà còn của cả nền opera cổ điển châu Âu. Sau năm 1860 là thời kỳ thăng hoa trong sự nghiệp sáng tác của ông, hàng loạt các vở opera nổi tiếng ra đời trong thời gian này: “Tristan und Isolde” (1865), “Die Meistersinger von Nürnberg” (1868) và 2 phần đầu của “Der Ring des Nibelungen” là “Das Rheingold” (1869) và “Die Walküre” (1870). Tất cả các vở này đều được trình diễn tại Munich vì vua Ludwig II của xứ Bavarian là người rất hâm mộ Wagner, thậm chí nhà vua còn cho xây dựng nhà hát Bayreuth Festspielhaus vào năm 1876 để chuyên trình diễn các opera của Wagner. Hai phần sau của “Der Ring des Nibelungen” là “Siegfried” (1876) và “Götterdämmerung” (1876) cũng được trình diễn tại đây. Vở opera cuối cùng của Wagner là “Parsifal” (1882).

 3/ Opera Lãng mạn Pháp:

 Opera Lãng mạn Pháp có thể chia ra làm 3 dòng chính: opéra grande; opéra comique và operetta.

 a) Opéra grande:

 Bắt nguồn từ “Guillaume Tell” của Rossini, opéra grande là những vở opera đồ sộ thường có độ dài từ 4 - 5 tiếng và thường là 5 màn, trong đó hoàn toàn là hát không sử dụng recitativo cũng như hội thoại. Trong opéra grande thường xuyên sử dụng incidental music và ballet. Các tác giả tiêu biểu cho trường phái này là Meyerbeer và Berlioz.

 Giacomo Meyerbeer (1791 - 1864) tuy là người Đức nhưng sống tại Venice từ nă


Nguon: http://dangdangphuoc.violet.vn/entry/

Nhac Cu Tien Manh
Phản hồi (0)
Hiển thị 0 trong 0 phản hồi  


Viết phản hồi
 
Hỗ trợ trực tuyến
Hà Nội
0979 499 501
Đà Nẵng
0943 683 790
TPHCM
0903 728 455‬
Làm việc Thứ 2 - CN
Hà Nội: 9h-20h
Đà Nẵng: 8h-20h
TP HCM: 9h-19h
Video
Nhạc Cụ Tiến Mạnh trên truyền hình Hà Nội
Nhạc Cụ Tiến Mạnh trên truyền hình Hà Nội
Bình chọn
Liên kết
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 254
   Truy cập trong ngày : 1156
   Tổng số truy cập : 18176120
Lên đầu trang